Sắp diễn ra Triển lãm ngành cơ khí tại Hà Nội

Theo đơn vị tổ chức Reed Tradex, việc đẩy mạnh năng suất tại khu vực nhà xưởng hiện tại, kết hợp gia tăng chất lượng của các sản phẩm cuối cùng sẽ là câu trả lời thích hợp nhất hiện nay trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường các sản phẩm có độ chính xác cao.

Tại đây không chỉ có sự hiện diện của những thương hiệu hàng đầu về dụng cụ đo lường và công nghệ tự động hóa mà còn có sự góp mặt của những chuyên gia trong ngành, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức kỹ thuật cho toàn thể khách tham quan.

 

Triển lãm có sự tham gia của những đơn vị về đo lường hàng đầu đến từ Hexagon, Nikon, Scantech, Wenzel, MAT; cũng như những chuyên gia về tự động hóa đến từ Misumi, Keyence, Tsubaki, Ulvac. Đi kèm với Triển lãm là những hỗ trợ để kết nối doanh nghiệp, mang đến cơ hội cao nhất cho những nhà đầu tư và những đơn vị sản xuất, cung ứng.

Ông Rene De Kok, Giám đốc thương mại của doanh nghiệp Scancom cho rằng: “Từ cách nhìn của một doanh nghiệp, chúng tôi không nghĩ rằng việc tăng số lượng người lao động sẽ là một giải pháp hữu hiệu để đối phó với những thách thức lâu dài của ngành công nghiệp. Đầu tư vào công nghệ một cách thích hợp, đặc biệt là các thiết bị đo đạc độ chính xác, sau đó tối ưu hóa trong việc sử dụng các công nghệ này. Đây sẽ là câu trả lời tối ưu nhất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”.

Bà Kasinee Phantteeranurak, Quản lý dự án của Cty TNHH Reed Tradex chia sẻ, tự động hóa đang và sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với ngành công nghiệp. Trong một số trường hợp, để giảm thiểu chi phí cần sự đầu tư thích đáng, đây không phải chỉ là đầu tư về tiền bạc, mà có thể nâng cấp hoặc bổ sung một số điều chỉnh công nghệ phù hợp cho hệ thống sản xuất hiện có.

Việc đầu tư trang thiết bị và công nghệ để thúc đẩy quá trình sản xuất hiệu quả hơn, thực sự có thể làm giảm tổng chi phí trong thời gian dài. Đó chính là thời điểm để các nhà sản xuất Việt Nam bước đến một “nền sản xuất thông minh”.

Năng suất trung bình của mỗi công nhân tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể từ năm 2010, 23,6%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), nhưng khoảng cách giữa năng suất ở Việt Nam và các nơi khác trong khu vực vẫn còn khá lớn. Một kỷ nguyên mới của Nhà máy thông minh và Công nghiệp 4.0 đã được mở ra, một nhu cầu cấp bách từ sự gia tăng đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất từ các nhà đầu tư công nghệ cao cần được đáp ứng.

Phát biểu tại cuộc họp báo về Triển lãm này, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thụ cho biết: Triễn lãm sẽ góp mặt nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt tham gia với những công nghệ hiện đại sánh ngang tầm khu vực cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp Việt đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tự động hóa trong sản xuất.

Lê Mỹ